(Baonghean.vn) - Những người dân xóm 5, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc thường hài hước gọi xóm của mình là “xóm xin”. Bởi ở làng quê này, để xây dựng quê hương, ban cán sự xóm không ngại đi “xin” nhân dân và tư duy sáng tạo huy động mọi nguồn lực.
Những người "thổi tù và"
Trong đội ngũ cán bộ xóm 5, xã Nghi Hưng, có 3 nhân vật chủ chốt được xem là những người “ăn cơm nhà, vác tù và” nhiệt tình của xóm. Trong đó, người nắm giữ công việc này lâu năm nhất là ông Nguyễn Đình Long với 22 năm đảm nhận vai trò xóm trưởng.
Ông Nguyễn Đình Long và ông Bùi Văn Khánh - Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc xóm 5 có mặt gần như ngay lập tức, sau khi nhận được thông báo có khách đến tham quan nhà văn hóa xóm. Dưới lời giới thiệu đầy tự hào, chi tiết của 2 cán bộ xóm, công trình nhà văn hóa vốn đã khang trang lại càng thêm ý nghĩa. Khánh thành tháng 8/2023, nhà văn hóa xóm 5 hiện đang được bình chọn là nhà văn hóa đẹp nhất xã với không gian rộng rãi, hệ thống điện cao áp hẹn giờ hiện đại, một số camera đã được lắp đặt, tuyến đường phía trước cổng là đường cờ rộng rãi, sạch sẽ. Bên cạnh hội trường là khuôn viên sân chơi thể thao, vườn cây rộng cả nghìn m2, có khu vực cho các môn bóng chuyền, cầu lông bài bản, lắp đặt bộ thiết bị thể dục ngoài trời mới tinh, chắc chắn.
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả khi đến với công trình này là không gian bên trong hội trường. Đập vào mắt là khoảng 150 chiếc ghế đẩu bằng gỗ mới tinh, đều tăm tắp, tất cả các lưng ghế đều được gắn một tấm nhựa xanh có in tên: Gia đình Thuận Xuân kính tặng; Gia đình anh Toàn - ông Khoa kính tặng; Gia đình anh Hùng (Hoa) kính tặng… Không chỉ ghế, phía dưới những bức tranh sơn dầu vẽ lại phong cảnh làng quê Nghi Hưng treo trên tường cũng đều ghi tên các hộ gia đình tặng.
Lần lượt giới thiệu từng hạng mục của nhà văn hóa, ông Nguyễn Đình Long tự hào chia sẻ: “Ngoài việc công khai chi tiêu tiền đóng góp ở bảng tin cho người dân theo dõi, chúng tôi còn tìm cách quy đổi tiền đóng góp của người dân thành những hiện vật nhìn thấy được. Vậy là mọi hạng mục, từ ghế đẩu đến ghế đá, từ tranh tường đến tượng Bác Hồ, đều gắn với một cá nhân, tập thể cụ thể. Chi tiết này tuy nhỏ nhưng khiến bà con rất phấn khởi”.
Cũng theo ông Long, để có thể rõ ràng, chi tiết mọi khoản đóng góp, các thành viên cốt cán của xóm đều sử dụng thành thạo các phần mềm máy tính như Word, Excel, dù họ không còn trẻ và chưa từng qua các khóa đào tạo chính quy.
Chia sẻ thêm về sức mạnh “huy động” của cán bộ xóm, ông Bùi Văn Khánh nói: “Một khi đã toàn tâm toàn ý cho quê hương thì nhìn đâu chúng tôi cũng thấy cơ hội. Không chỉ huy động người dân sống tại xóm, chúng tôi còn huy động, kết nối với cả những con em xa quê, sinh sống và làm việc ở các tỉnh, thành khác, tranh thủ sự đóng góp của cả những con em đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Trong chuyến du lịch Phú Quốc vừa rồi, đại diện ban cán sự xóm cũng đã tìm đến nhà của con em trong xóm tại tỉnh Kiên Giang, trước là để thăm hỏi, sau là để kêu gọi sự hỗ trợ”.
Trước câu hỏi đi xin nhiều liệu có ngại? Ông Long cười: “Với tâm thế đi xin cho dân nên chúng tôi không ngại. Có điều, xin hỗ trợ nhiều quá, nhiều người cũng nói vui, xóm 5 phải đổi tên là “xóm xin” thôi. Nói là vậy nhưng bà con trong xóm hiểu rằng chúng tôi luôn làm những gì tốt nhất cho quê hương, luôn tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ từ các chương trình, cấp trên để tiết kiệm nhất cho bà con”.
Kể về những cán bộ cốt cán xóm mình, bà Nguyễn Thị Sinh – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 5 chia sẻ: “Bất cứ khi nào có công trình hay sự kiện, ban cán sự xóm đều tất bật, vất vả. Như hôm làm nhà văn hóa, mọi người ở công trình nhiều hơn ở nhà, có những hôm 20 giờ đêm mới về ăn cơm. Làm xong công trình, ai cũng đen và gầy rộc đi trông thấy. Phụ cấp thì ít, công việc lại nhiều, địa bàn xóm rộng với hơn 1.000 dân, thường xuyên phải đi thăm hỏi mọi người, nếu người làm không có tâm, nếu gia đình không cảm thông thì không thể đảm nhận trách nhiệm này được”.
Tự hào được đóng góp vào việc chung
Trong công trình nhà văn hóa xóm 5, ông Hồ Trung Thành có lẽ là một trong những cá nhân xa quê nhưng đóng góp nhiệt tình nhất. Mặc dù đang sinh sống và làm việc ở Dĩ An, Bình Dương, nhưng ông đã gửi về quê hương bức tượng Bác Hồ bằng đồng nặng 60kg và 2 bộ bàn ghế lớn để sử dụng trong hội trường. Không chỉ ủng hộ công trình này, ông còn tham gia đóng góp cho rất nhiều công trình khác của xóm, xã, huyện và luôn sẵn lòng hỗ trợ khi quê hương cần.
Ra đi từ quê hương, hơn ai hết tôi hiểu những khó khăn, thiếu thốn của bà con và mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé. Ở xa, không thể trực tiếp tham gia, tôi dành trọn vẹn niềm tin để gửi gắm cho anh em ở nhà. Và quả thật, ban cán sự xóm đã làm rất thực tâm, nhiệt huyết, tận tuỵ một cách đáng ngưỡng mộ. Họ chấp nhận vất vả, thiệt thòi, vì lợi ích chung. So với họ, những đóng góp của tôi rất nhỏ bé.
ÔNG HỒ TRUNG THÀNH, NGƯỜI DÂN XÓM 5
Với tâm thế sẵn sàng đóng góp cho quê hương, ông Thành cũng chia sẻ rằng, đóng góp càng nhiều càng cảm thấy những gì mình làm cho quê hương còn rất ít. Có lẽ vì vậy mà khi được hỏi về những công trình mình đã chung tay, bản thân ông không thể liệt kê đầy đủ và cũng không giữ cho mình bất cứ bức hình nào để kỷ niệm.
Trên tinh thần người có nhiều đóng nhiều, người có ít đóng ít, người không có thì đóng góp ngày công, Ban cán sự xóm 5 đã huy động được mọi nguồn lực từ nhân dân. Mỗi một dịp có sự kiện hay xây công trình công cộng, bà con nhân dân xóm 5 lại nô nức tham gia mỗi người một tay, vui như trẩy hội, vui như đang làm việc cho chính gia đình mình.
Tinh thần tự giác của bà con xóm chúng tôi cao lắm. Bất cứ hoạt động nào được phát động cũng đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, không ai nề hà, kêu ca. Có được điều này, trước hết là nhờ sự tôn trọng, yêu quý mà người dân dành cho đội ngũ ban cán sự xóm, sau là vì tinh thần tự hào và mong muốn xây dựng quê hương giàu mạnh. Sống giữa cộng đồng như vậy, việc đóng góp không chỉ là nghĩa vụ mà còn là vinh dự, tự hào.
BÀ BÙI THỊ THỦY - NGƯỜI DÂN XÓM 5
Cũng từ tình yêu quê hương, tinh thần cống hiến, hoạt động của các chi hội trong xóm mạnh hơn, đoàn kết hơn. Tiêu biểu là Chi hội Phụ nữ xóm. Liên tiếp nhiều năm liền, Chi hội Phụ nữ xóm 5 được cấp trên đánh giá cao về hiệu quả của mô hình “5 không, 3 sạch”, “Biến rác thải thành thẻ bảo hiểm y tế”, trở thành địa chỉ cung cấp giống hoa cho các xã trên địa bàn huyện và thu về hàng chục triệu đồng mỗi mùa.
Chúng tôi đánh giá rất cao cách Ban cán sự xóm 5 huy động nguồn lực nhân dân. Họ không những sáng tạo mà còn rất trách nhiệm, tận tụy, minh bạch trong triển khai công việc. Cách làm của họ hiện đang được các xóm trong xã noi theo, triển khai để tận dụng nguồn lực nhân dân trong xây dựng quê hương.
ÔNG NGUYỄN VIẾT THANH - CHỦ TỊCH UBND XÃ NGHI HƯNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn